Dior hiện là một trong những hãng thời trang lớn nhất thế giới. Để có được vị thế như ngày nay, nhà mốt này cũng trải qua nhiều thăng trầm và sau những thăng trầm đã vực dậy mạnh mẽ hơn. Cùng tìm hiểu lịch sử của nhà mốt Dior bạn nhé!
1. Sự ra đời của thương hiệu Dior
Dior tên đầy đủ là Christian Dior S.A. Thương hiệu này được nhà thiết kế Christian Dior thành lập vào năm 1946 tại số 30 Montaigne, Paris, Pháp. Thế nhưng, Dior lại lấy năm 1947 làm năm thành lập thương hiệu chính thức. Bởi vì, Dior ra mắt bộ sưu tập đầu tiên vào năm 1947.
Ban đầu, Dior được Marcel Boussac chống lưng về mặt tài chính. Và trở thành một phần của doanh nghiệp dệt may được điều hành bởi Marcel Boussac. Từ một công ty có 85 nhân viên với 6 triệu franc vốn đầu tư, Dior đã trở thành thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới như hiện nay. Đến năm 2011, Dior đã có khoảng 84.000 nhân viên và hơn 600 chi nhánh trên toàn thế giới với lợi nhuận lên đến1.279 triệu euro.
2. Thời kỳ New Look
Năm 1947, Dior ra mắt bộ sưu tập đầu tiên, mở ra một cuộc cách mạng mới cho thời trang. Bộ sưu tập này được gọi là New Look sau khi được Carmel Snow - Tổng biên tập của tạp chí Harper’s Bazaar lúc bấy giờ ca ngợi hết lời.
Thời kỳ hậu chiến, vải rất hạn chế nhưng Christian Dior đã sử dụng đến 20m vải xa hoa cho những sáng tạo của mình. New Look gồm những chiếc đầm phồng ở hông, nhấn ở eo và ngực, giúp tôn đường cong của người phụ nữ. Bộ sưu tập này đã giúp Christian Dior vực dậy ngành công nghiệp thời trang sau thế chiến thứ 2 và ngay lập tức tạo tiếng vàng cho nhà mốt. Nhờ đó, Dior đã có khách hàng rộng khắp từ Châu Âu cho đến Hollywood với doanh số bán hàng đạt 12,7 triệu franc vào năm 1949. Hơn nữa, New Look còn tác động đến những nhà thiết kế khác trong những năm 1950.
Đến nay, Dior vẫn là biểu tượng của thời trang thượng lưu. Nhà mốt này nhận được sự yêu thích của những nhân vật tầm cỡ và các ngôi sao quốc tế. Sản phẩm của Dior luôn đậm tính kiến trúc và sự quyến rũ.
3. Dior vào những năm 1950
Cuối năm 1949, Dior mở thêm cửa hiệu thời trang tại New York, đánh dấu việc mở rộng kinh doanh. Đến năm 1953, với sự giúp đỡ của nhà thiết kế giày người Pháp Roger Vivier, Dior đã cho ra đời dòng giày thời trang của mình. Cuối năm 1953, Dior tiếp tục khai trương và phát triển chi nhánh tại Mexico, Cuba, Canada và Ý. Có thể nói, từ những năm 1950, Dior đã là một đế chế thời trang uy tín.
Năm 1954, Dior mở cửa hiệu thời trang đầu tiên tại Anh ở số 9 đường Conduit. Những năm 1954 và 1957, nhà mốt này tiếp tục thành công với nhiều dòng thời trang. Thế nhưng, không có dòng thời trang nào có ảnh hưởng mạnh như New Look.
Năm 1955, Dior tung ra thị trường dòng son môi đầu tiên. Trong kỷ niệm 10 năm thành lập, hãng đã bán được đến 100.000 bộ quần áo.
Ngày 24/10/1957, Christian Dior qua đời bởi một cơn đau tim. Với tài năng sáng tạo thời trang của mình, ông được công nhận là một trong những nhân vật thời trang lớn nhất trong lịch sử.
4. Dior không có Christian Dior
Christian Dior qua đời đã khiến cho hãng thời trang này trở nên hỗn độn. Để vực dậy thương hiệu, tổng giám đốc Jacques Rouët đã mời Yves Saint Laurent làm giám đốc nghệ thuật. Chính Yves Saint Laurent đã cứu vãn được Dior. Sau khi thiết kế cho Dior 6 bộ sưu tập, ông buộc phải rời Dior để nhập ngũ năm 1960.
Sau Yves Saint Laurent, Marc Bohan trở thành giám đốc nghệ thuật mới của Dior vào cuối năm 1960. Thiết kế của Marc Bohan dè dặt và kín đáo hơn so với người tiền nhiệm. Có lẽ vì vậy mà ông ít được để ý đến. Tuy nhiên, những thiết kế của Marc Bohan lại được đánh giá cao bởi các nhân vật tên tuổi.
Trong thời kỳ của Marc Bohan, thương hiệu Dior khá thành công về tính thương mại. Năm 1963, nhà mốt ra mắt dòng nước hoa Diorling. 3 năm sau dòng nước hoa Eau Sauvage cho nam trình làng. Đến năm 1968, dòng nước hoa Dior đã được bán cho Moët Hennessy.
Năm 1969, Christian Dior Cosmetics ra mắt với dòng sản phẩm độc quyền. Năm 1970 tiếp tục giới thiệu dòng thời trang Dior Homme đầu tiên. Đến năm 1975, Dior ra mắt kiểu đồng hồ đầu tiên mang tên Black Moon hợp tác với Benedom.
Tập đoàn Boussac tuyên bố phá sản vào năm 1978. Tài sản của nó, có cả Christian Dior đã được tập đoàn Willot mua lại. Đến năm 1981, tập đoàn Willot cũng tuyên bố bị phá sản. Tập đoàn của Bernard Arnault đã mua lại tập đoàn Willot với giá tượng trưng 1 franc vào năm 1984. Bernard Arnault đã đưa Christian Dior trở lại thời kỳ đỉnh cao. Năm 1989, Gianfranco Ferré thay thế Marc Bohan và trở thành nhà thiết kế chính của Dior. Bộ sưu tập đầu tiên của nhà thiết kế gốc Ý này đã đoạt giải Dé d’Or năm 1989.
5. Dior vào cuối những năm 1990
Năm 1996, Bernard Arnault đã bổ nhiệm nhà thiết kế người Anh John Galliano thay cho Gianfranco Ferré. John Galliano đã vực dậy tên tuổi của Dior thông qua những thị phi. Những thị phi này đã góp phần thúc đẩy doanh số bán hàng của Dior.
Năm 2001, Dior đã mời Hedi Slimane, nhà thiết kế nổi tiếng của Yves Saint Laurent. Bộ sưu tập cho nam đầu tiên của Hedi Slimane cho Dior đã ngay lập tức thu hút sự chú ý của các ngôi sao nổi tiếng. Cùng năm, Dior cũng cho ra đời dòng trang sức cao cấp.
Tháng 2/2011, John Galliano đã làm chấn động giới thời trang khi bị buộc tội xúc phạm và tấn công người Do Thái lúc say rượu. Để xoa dịu dư luận, Dior sa thải John Galliano vào tháng 3 cùng năm.
Sau một thời gian bỏ trống, nhà thiết kế người Bỉ Raf Simons đã được bổ nhiệm làm giám đốc sáng tạo của Dior vào tháng 4/2012. Raf Simons gây chú ý với phong cách tối giản và được tôn vinh là người thừa hưởng phong cách của Christian Dior. Bộ sưu tập đầu tay của ông là The New Couture. Thế nhưng, Raf Simons chỉ làm việc với nhà mốt Dior được 3 năm. Sau đó, chiếc ghế giám đốc sáng tạo của Dior lại tiếp tục để trống.
6. Nhà mốt Dior hiện nay
Sau Raf Simons, nhà đồng thiết kế của thương hiệu Valentino là Maria Grazia Chiuri đã trở thành giám đốc sáng tạo của nhà mốt Dior. Bà là người phụ nữ đầu tiên giữ chức giám đốc sáng tạo trong lịch sử của nhà mốt Dior. Những thiết kế của Maria Grazia Chiuri vừa hợp xu thời vừa có tính thương mại cao.
Hơn nửa thế kỷ ra đời và phát triển, Dior đã trở thành một trong những thương hiệu hàng đầu trong làng thời trang thế giới. Các dòng sản phẩm của nhà mốt như quần áo, túi xách, giày dép, đồng hồ, trang sức, nước hoa,…luôn được các tín đồ thời trang thế giới săn đón.
Trên đây là lịch sử của nhà mốt Dior. Hi vọng, bạn sẽ có thêm những thông tin thú vị về quá trình hình thành và phát triển của hãng thời trang này.