Trên sàn diễn thời trang Xuân Hè 2022, Stella McCartney trình làng mẫu túi xách giả da được làm từ nấm tên gọi Frayme Mylo. Mẫu túi xách này vô cùng thân thiện với môi trường vì có thể phân hủy tự nhiên, khác hẳn với những chất liệu giả da gốc dầu mỏ.
Chi tiết chiếc túi xách Frayme Mylo làm từ nấm của Stella McCartney
Tin tưởng nấm là tương lai của ngành thời trang, nhà thiết kế Stella McCartney đã hợp tác với Bolt Thread ở California, Mỹ. Bolt Thread là nhà nghiên cứu chất liệu vải sinh học đời mới. Người đã tạo nên lụa tơ nhện cách đây vài năm được Stella McCartney đầu tư.
Không phụ sự mong đợi, Bolt Thread đã tạo ra chất liệu giả da làm bằng nấm là Mycelium Leather. Mycelium Leather có bề mặt giống với da thuộc bình thường, độ bền và độ đàn hồi cũng rất tốt. Quan trọng là Mycelium Leather có thể phân hủy hoàn toàn thiên nhiên. Đặc điểm này khác hẳn với các chất liệu giả da có gốc dầu mỏ trên thị trường hiện nay. Thế nên, chất liệu Mycelium Leather vô cùng thân thiện với môi trường đúng như tiêu chí của Stella McCartney.
Mẫu túi xách làm từ nấm Frayme Mylo được thiết kế theo phong cách quen thuộc của Stella McCartney. Nó có bề mặt trơn láng gần như tối giản với tông màu đất ấm áp. Gây ấn tượng nhờ những đường biên là mắt xích hầm hố. Thiết kế này làm các tín đồ thời trang nhớ lại một thiết kế từng rất hot trước đây của Stella McCartney, đó là mẫu Falabella.
Sau túi xách, Stella McCartney còn có những sản phẩm thân thiện nào?
Sau túi xách làm từ nấm, Stella McCartney tiếp tục với tiêu chí phát triển bền vững. Stella McCartney tiết lộ đang đầu tư cho 2 sản phẩm mới.
- Một là Sorona, chất liệu nhồi áo khoác phao. Áo khoác phao thông thường được chần với Lông Ngỗng hoặc Polyester. Còn Sorona của Stella McCartney sẽ sử dụng đến 30% chất liệu có nguồn gốc thực vật và có thể được tái chế.
- Hai là Recycrom, loại phẩm màu nhuộm vải an toàn hơn với môi trường. Hiện tại, phần lớn các loại màu nhuộm thường dùng chế phẩm gốc dầu mỏ. Thế nên, Recycrom của hãng sẽ tận dụng các nguồn phế thải trong ngành công nghiệp dệt vải để biến thành màu nhuộm. Mục đích chính nhằm không cần sử dụng dầu mỏ và hạn chế rác thải đổ ra môi trường.
Stella McCartney đặt tiêu chí phát triển thân thiện với môi trường lên hàng đầu
Nữ hoàng của làng thời trang xanh là danh xưng của Stella McCartney. Nhà thiết kế Stella McCartney luôn ủng hộ các biện pháp cải thiện ngành công nghiệp thời trang để có thể phát triển bền vững. Stella McCartney ủng hộ việc ngừng sử dụng chất liệu khai thác từ thú vật trong thời trang. Và Stella McCartney đã làm được điều đó khi ra mắt chiếc túi làm từ nấm Frayme Mylo trên sàn diễn Xuân Hè 2022. Trong dịp Stella McCartney trình làng mẫu túi mới bằng nấm, hãng cũng nhìn lại hành trình phát triển bền vững của mình.
Stella McCartney là người ăn chay trường kể từ khi lập nghiệp năm 2001. Thế nên, nhà thiết kế người Anh kiên trì không sử dụng những nguyên liệu làm từ thú vật cho các sản phẩm của mình. Cụ thể là không dùng da thuộc, lông vũ hay keo dán chiết xuất từ động vật. Năm 2008, Stella McCartney đã bắt đầu sử dụng Cotton hữu cơ. Trước khi thế giới quan tâm đến thời trang xanh. Sau đó là chất liệu Polyester tái chế và Viscose. Đặc biệt, Stella McCartney là một trong những nhà mốt đầu tiên lăng xê chất liệu Econyl. Trước cả Prada, Burberry và Gucci.
Việc Stella McCartney trình làng túi xách làm từ nấm và tiết lộ kế hoạch phát triển bền vững trong tương lai của hãng đã khiến đông đảo người dùng trên toàn thế giới dõi theo. Đặc biệt là những người quan tâm đến thời trang xanh và phương thức phát triển thời trang bền vững đang được thế giới khuyến khích.
Vì sao nấm là nguồn chất liệu cho thời trang bền vững?
Vì sao loại sinh vật thường được dùng làm thực phẩm như nấm đang dần lấn sân sang thời trang. Câu trả lời nằm ở chất liệu giả da được làm từ sợi nấm. Các nhà khoa học đã nghiên cứu và cho thấy nấm có thể tạo ra những chất liệu thời trang vừa đẹp vừa bền vững.
Chất liệu da được làm từ nấm thải ra ít khí nhà kính hơn. Nó cũng dùng ít tài nguyên đất và nước hơn so với chăn nuôi để sản xuất da động vật. Hơn nữa, nấm còn là sinh vật phân hủy và ăn sinh khối như thực vật chết. Do đó, việc sản xuất da từ sợi nấm hoàn toàn có thể dựa vào nguồn carbon tự nhiên. Điều quan trọng là da sợi nấm không chứa các vật liệu có nguồn gốc từ dầu mỏ. Thế nên, nó có thể hoàn toàn phân hủy thiên nhiên.
Da làm từ nấm là chất liệu thay thế thân thiện với môi trường. Đồng thời còn là chất liệu gây thích thú với các thương hiệu xa xỉ vì chất lượng vượt trội. Minh chứng là Hermès, nhà mốt luôn có những tiêu chuẩn nghiêm ngặt cho nguồn chất liệu cũng đã và đang thử nghiệm với nấm. Đến tháng 3/2021, Hermès và MycoWorks đã ra mắt mẫu túi Victoria được làm lại bằng Sylvania. Sylvania là một loại da sợi nấm màu hổ phách độc quyền. Chất liệu này giống hệt với da thuộc và có độ mềm như da thuộc. Đương nhiên là nó thân thiện với môi trường vì được làm từ nấm.